GeForce RTX 2080 Ti FE: mạnh hơn hẳn GTX 1080 Ti nhưng liệu game 4K + Ray Tracing trên 60 fps?

Sau GeForce RTX 2080 Founders Edition (FE) thì hôm nay mình giới thiệu đến anh em phiên bản RTX 2080 Ti FE, hiệu năng của nó ra sao, trải nghiệm game như thế nào thì tất cả sẽ được giải đáp dưới đây. Hẳn anh em cũng đã nghe ngóng về việc RTX 2080 Ti FE là phiên bản đáng mua nhất bởi nó mạnh hơn hẳn so với RTX 2080 FE cũng như hỗ trợ chơi game 4K tốt hơn. Dù vậy, Ray Tracing – công nghệ điểm nhấn của dòng RTX 20 series vẫn chưa mang lại trải nghiệm thuyết phục.



Đang tải Tinhte.vn_GeForceRTX20-4.jpg…

Trước tiên không thể quên nhắc đến thiết kế và trang bị của RTX 2080 Ti FE. Khen thì cũng đã khen hoài rồi, nhất là với phiên bản Founders Edition của Nvidia, chiếc card được thiết kế mới với hệ thống tản nhiệt 2 quạt, heatsink dày và tản nhiệt mở thay vì lồng sóc như các thế hệ trước. Cover của card, backplate đều được làm bằng kim loại, tới cái nắp che chân NVLink cũng bằng kim loại nốt thành ra trong số các phiên bản Founders Edition xưa nay thì dòng RTX 20 series có thiết kế đẹp nhất, cao cấp nhất. Nói chung về thiết kế thì mình không nhắc đến nữa, RTX 2070 hay 2080, 2080 Ti FE đều như nhau, anh em có thể xem kỹ hơn trong bài này:



Đang tải Nvidia TU102.jpg…

Vậy có gì mới trên RTX 2080 Ti FE. Khi nhắc đến dòng RTX 20 series thì thứ chúng ta phải để ý đầu tiên là kiến trúc Turing. Như anh em đã biết Turing thay thế cho Pascal với những cải tiến ở cấp độ bán dẫn. Con GPU dùng trên RTX 2080 Ti FE là TU102 còn trên RTX 2080 không Ti là TU104, nó có đến 18,6 tỉ transistor được sản xuất trên dây chuyền 12 nm FinFET của TSMC, mỏng hơn nhưng mật độ cao hơn

Nếu só với GP102 trên GTX 1080 Ti thì TU102 có kích thước lớn hơn 60% nhưng mật độ bán dẫn cũng cao hơn 55%. Dù vậy nếu so với GV100 trên Titan V thì mật độ 18,6 triệu bán dẫn vẫn còn thua mức 21,1 tỉ. Đây cũng là con GPU có số lượng bán dẫn lớn nhất của Nvidia tính đến thời điểm hiện tại.



Đang tải RTX.jpg…

TU102 có 6 cụm xử lý đồ hoạ (Graphics Processing Cluster – GPC) trong đó mỗi cụm bao gồm một Raster Engine để xử lý điểm ảnh và 6 cụm xử lý kết cấu bề mặt (Texture Processing Cluster – TPC). Mỗi TPC lại có một engine PolyMorph để xử lý hình học và 2 vi xử lý đa luồng (Stream Multiprocessor – SM). Tiếp tục mỗi SM lại có 64 nhân CUDA, 8 nhân Tensor, 1 nhân RT, 4 đơn vị texture (TU), 16 đơn vị nạp/lưu, không gian ghi 256 KB, 4 bộ đệm chỉ thị L0 và cấu trúc bộ nhớ chia sẻ kiêm bộ đệm L1 96 KB. Nói chung về cấu trúc thì không khác nhiều so với GP102 thế hệ Pascal nhưng những chỉ số đều tăng và đặc biệt là có thêm các nhân Tensor và nhân RT (Ray Tracing).

Nhân các chỉ số lại thì TU102 sẽ có 72 SM, 4608 nhân CUDA, 576 nhân Tensor, 72 nhân RT, 288 TU và 36 engine PolyMorph. Tuy nhiên, TU102 cũng là GPU được sử dụng trên dòng RTX Titan và để dồn toàn lực cho dòng GPU xịn nhất này thì Nvidia như thường lệ tiến hành cắt giảm cấu hình của TU102 trên GeForce RTX 2080 Ti.

Thành thử ra phiên bản TU102 thực tến dùng trên RTX 2080 Ti có 2 cụm TPC bị tắt đi trên mỗi GPC, từ đó số SM giảm xuống còn 68 SM, 4352 nhân CUDA, 544 nhân Tensor, 68 nhân RT, 272 TU và 34 engine PolyMorph. Dù vậy nếu so với GP102 trên GTX 1080 Ti thì nó có 28 SM, 3584 nhân CUDA, không có nhân Tensor, không có nhân RT, 224 TU và 28 engine PolyMorph, rõ ràng số lượng vẫn rất chênh lệch.



Đang tải RTX 2080Ti Disassembly.jpg…

RTX 20 series cũng đánh dấu sự thay đổi về trang bị bộ nhớ VRAM với GDDR6 tốc độ cao hơn so với GDDR5. Trên GeForce RTX 2080 Ti FE thì TU102 đi kèm với 11 GB bộ nhớ GDDR6 kết nối qua các vi điều khiển bộ nhớ 32-bit. Một lần nữa sự cắt giảm cũng xuất hiện tại đây, thay vì 12 vi điều khiển thì Nvidia cắt 1 còn 11, thành ra tổng độ rộng bus nhớ là 11 x 32-bit = 352 bit và dĩ nhiên với tốc độ 14 Gb/s thì băng thông của GDDR6 trên RTX 2080 Ti FE là 616 GB/s, dù không được tối đa nhưng vẫn cao hơn mức 484 GB/s của GDDR5X trên GTX 1080 Ti.

Nói về xung nhịp thì phiên bản RTX 2080 Ti FE có xung cơ bản là 1350 MHz và Boost lên 1635 MHz. Mức xung này nếu so về xung gốc thì thấp hơn so với GTX 1080 Ti với 1480 MHz nhưng lại có lợi thế về xung Boost, cao hơn 53 Hz. Điều tương tự cũng xảy ra với RTX 2080 FE mà mình đánh giá lần trước với mức xung cơ bản 1515 MHz > 1800 MHz trong khi GTX 1080 là 1607 MHz > 1733 MHz. Điều quan trọng là xung của TU102 hay cả TU104 đều có thể được đẩy lên cao hơn nhờ một hàm API Nvidia gọi là Scanner và nó tích hợp trong driver GeForce mới nhất.



Đang tải Tinhte.vn_RTX2080Ti-3.jpg…

Với mức xung này thì hiệu năng xử lý FP32 tối đa của TU102 trên RTX 2080 Ti Fe đạt 14,2 TFLOPS, cao hơn 2,9 TFLOPS so với GP102 trên GTX 1080 Ti cũng như cao hơn 3,6 TFLOPS so với RTX 2080 FE.Mức TDP của RTX 2080 Ti vẫn là 250 W tương đương GTX 1080 Ti và cao hơn 35 W so với RTX 2080. Cũng vì trần nhiệt cao hơn nên RTX 2080 Ti FE cần nguồn 2 x 8 pin thay vì 8 + 6 pin như RTX 2080 FE. Thêm

Giờ thì tới ngay phần test, cấu hình hệ thống mình test vẫn tương tự lần trước với:

  • CPU: Intel Core i9-9900K, 8 nhân 16 luồng, chạy ở 5 GHz toàn nhân;
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 2080 Ti Founders Edition;
  • RAM: 2 x 8 GB G.Skill TridetnZ Royal RGB;
  • SSD (OS): WD Black 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe;
  • HDD (Game): WD Black 2 TB 7200 rpm;
  • MOBO: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC;
  • PSU: ThermalTake TOughPower 850 W Gold;
  • Cooler: Corsair H100i Pro RGB Liquid Cooling;
  • Case: CoolerMaster MasterBox 5;
  • Màn hình: ASUS RoG Swift PG279Q 2K G-Sync 165 Hz + LG Display 4K

Đầu tiên ngay với bài test hiệu năng tính toán thuần của GPU qua AIDA64, không ngoài dự đoán khi RTX 2080 Ti FE đạt điểm FP32 cao ngất ngưỡng, bỏ xa những GTX 1080 Ti, RTX 2080 vài ngàn điểm. Dù vậy, nếu nói về FP64 thì Radeon RX Vega 64 vẫn đạt điểm cực cao, đây cũng là một lợi thế của dòng card này với kiến trúc Vega. Các bài test đo MAD với độ dài dữ liệu lần lượt 24, 32 và 64-bit dữ liệu thì RTX 2080 Ti tiếp tục chứng minh nó là chiếc card mạnh nhất.

Mặc dù dùng cùng bộ nhớ GDDR6 14 Gbps tương tự như RTX 2080 nhưng với độ rộng bus nhớ cao hơn là 352-bit thành ra băng thông bộ nhớ trên lý thuyết của GDDR6 trên RTX 2080 Ti FE là 616 Gb/s còn RTX 2080 là 448 Gb/s. Mem Copy trong bài test AIDA GPU trong bảng trên cho thấy băng thông của RTX 2080 Ti FE cao hơn tất cả các phiên bản còn lại, nó phản ánh chính xác lợi thế về bộ nhớ dù có cùng dung lượng với phiên bản mà nó thay thế là GTX 1080 Ti.

Nếu như RTX 2080 FE sau bài test trên đã cho chúng ta hình dung về sức mạnh của nó khi chơi game ngang ngửa với GTX 1080 Ti thì RTX 2080 Ti FE lại đưa những con số lên một mốc mới. Những bài test như Fire Strike FHD hay Sky Diver FHD không phải bàn cãi, Nvidia cũng nhấn mạnh về hiệu năng chơi game ở độ phân giải 4K trên dòng RTX 20 series và RTX 2080 Ti FE thật sự mang lại trải nghiệm chơi game 4K tốt hơn hẳn so với RTX 2080 cũng như GTX 1080 Ti. Sự chênh lệch về hiệu năng là 20% với Fire Strike Ultra (4K) lẫn Time Spy Extreme (4K) giữa RTX 2080 Ti FE và RTX 2080 FE, so với GTX 1080 Ti thì tỉ lệ này lần lượt là 9,5% và gần 25%.

Tới chỗ này anh em có thể thắc mắc tại sao RTX 2080 Ti FE lại chỉ mạnh hơn khoảng 9,5% so với GTX 1080 Ti với bài test Fire Strike Ultra (4K) nhưng lại đến 25% với bài test Time Spy Extreme (4K)? Fire Strike Ultra là bài test mô phỏng game đồ hoạ AAA dùng DirectX 11, hiện tại vẫn rất nhiều tựa game dùng DirectX 11 nên có thể hình dung anh em sẽ có trải nghiệm chơi game như The Witcher 3: Wild Hunt, GTA V, Black Ops III … ở độ phân giải 4K tốt hơn 9,5% so với GTX 1080 Ti. Trong khi đó, Time Spy Extreme lại mô phỏng game AAA dùng DirectX 12 mới nhất, ưu điểm lớn của hàm API mới nhất này là nó không chỉ khiến game đẹp hơn, chạy mượt hơn mà còn khai thác phần cứng hiệu quả hơn. Như vậy nếu như anh em chơi những tựa game mới dùng DirectX 12 như Shadow of the Tomb Raider, Ashes of the Singularity, Battlefield 1, Battlefield V hay đơn giản như FIFA 18 sẽ được hưởng 25% hiệu năng tăng thêm này.

Một đơn cử như tựa game Ghost Recon Wildlands mà mình hay chơi, tựa game này dùng DirectX 11 với đồ hoạ thuộc hàng rất nặng trong số các tựa game hành động thế giới mở. Ở thiết lập đồ hoạ Very High, độ phân giải 4K UHD thì tỉ lệ khung hình trung bình khi chơi vào khoảng 65,77 fps nhưng khi chuyển sang đồ hoạ Ultra cao nhất với cùng độ phân giải thì tỉ lệ khung hình trung bình là 47,62 fps. Mặc dù trong số 4 mẫu card được test thì RTX 2080 Ti FE cho khung hình cao nhất nhưng suy cho cùng với game DirectX 11 thì tỉ lệ khung hình chênh lệch khoảng 13% so với GTX 1080 Ti cũng như 18 – 20% so với RTX 2080 FE.

Thế nhưng với những tựa game hỗ trợ DirectX 12 như Shadow of the Tomb’s Raider thì sự cải tiến về hiệu năng rất rõ. RTX 2080 Ti cho phép mình chơi tựa game này ở thiết lập đồ hoạ High với khử răng cưa SMAA Tx2 trên 64 fps và ở thiết lập đồ hoạ tối đa là Highest cũng xấp xỉ 60 fps. Tuy nhiên với GTX 1080 Ti thì tỉ lệ khung hình khó có thể đạt trên 60 fps, tương tự với RTX 2080 lần trước mình có test thử. Mức chênh lệch về khung hình từ 18 đến 24% so với thế hệ GTX 1080 Ti. Như vậy có thể khẳng định một lần nữa rằng những chiếc card RTX 20 series mang lại hiệu năng tăng cường với những tựa game DirectX 12 và mức khung hình tăng thêm rất đáng để cân nhắc.

Một tựa game khác mình muốn demo với anh em là Battlefield V. Đây cũng là tựa game đang hot và hỗ trợ DirectX 12 lẫn Ray Tracing bên cạnh Shadow of the Tomb’s Raider. Trước đó đã có những thông tin cho thấy khi bật Ray Tracing thì tỉ lệ khung hình khi chơi Battlefield V rớt thảm hại và Nvidia cũng đã nhanh chóng phát hành driver mới để cải thiện hiệu năng cũng như làm việc với EA Games để tối ưu phần cứng. Dù vậy thì kết quả vẫn chưa khiến mình hài lòng:



Đang tải BFVRTX.jpg…

RTX ON (anh em nhìn phần kiếng của chiếc xe, ánh đèn vàng hắt lên đầu xe, ánh sáng trên cây súng nhé)


Đang tải BFVRTXOFF.jpg…

RTX OFF (thử so sánh với ánh sáng ở trên nha ).

Với thiết lập độ phân giải 4K UHD, đồ hoạ Ultra, DX12 + DXR tức Ray Tracing On thì tỉ lệ khung hình của Battlefield V trung bình chỉ vào khoảng 34 – 36 fps, hạ xuống đồ hoạ High thì ổn định hơn ở 40 fps còn Medium là 51 fps. Khi tắt DXR khởi động lại game thì tỉ lệ khung hình cao hơn hẳn, 4K và đồ hoạ Ultra đã có thể chơi mượt mà trên 60 fps. Dù vậy thứ chúng ta đánh đổi cũng rất rõ ràng, hiệu ứng ánh sáng và độ thật của game sẽ không tuyệt với như khi có Ray tracing. Nếu anh em muốn trải nghiệm tốt Battlefield V với Ray Tracing và đồ hoạ Ultra thì mình gợi ý anh em nên chơi ở độ phân giải từ 2K QHD đổ xuống, FHD 1080p thì dư sức qua cầu với tỉ lệ khung hình cao.



Đang tải Temp FFXV.jpg…

Hành vi của RTX 2080 Ti FE như thế nào khi chơi game? Mình cho chạy bài test Final Fantasy XV với thiết lập đồ hoạ tối đa và độ phân giải 4K UHD thay cho bài test FurMark. Kết quả là xung nhịp của GPU TU102 trên RTX 2080 Ti FE duy trì ở mức trung bình 1710 – 1750 MHz và đặc biệt là nhiều khi nhảy lên mức 1875 – 1890 MHz với các tựa game DirectX 12 và với DirectX 11 thì xung sẽ lên đến 1930 MHz. So với con số công bố của Nvidia là xung boost 1635 MHz thì mức xung thực tế trên phiên bản RTX 2080 Ti FE của mình cao hơn hẳn. Đây hẳn là tính năng Nvidia Scanner – tự động OC GPU trong điều kiện lý tưởng và nó tích hợp trong driver GeForce mới nhất.



Đang tải FLIR RTX 2080Ti.jpg…

Chạy liên tục bài test này thì nhiệt độ của GPU TU102 được duy trì ở mức 78 độ C, nóng hơn so với TU104 trên RTX 2080 FE. Trong một số tình huống như mình chơi Battlefield V với 4K Ultra RTX On thì nhiệt độ CPU lên đến 83 độ C và GPU lập tức cắt xung đưa xuống mức dưới 80 độ C. Đây là điều kiện test trong phòng máy lạnh 25 độ C và mình để mở thùng máy cho thoáng bởi cơ chế tản nhiệt mở của RTX 2080 Ti FE. Trong khi đó khi không tải thì GPU TU102 chỉ khoảng 37 độ C và xung hạ rất thấp để tiết kiệm điện năng.



Đang tải PowerComp.jpg…

Nói về điện năng thì mức tiêu thụ điện năng của RTX 2080 Ti FE khi chơi game thường ở mức trên 250 W, với thiết lập đồ hoạ tối đa thì có thể ăn đến 270 W. Mức độ ăn điện này cao hơn hẳn so với RTX 2080 FE với mức ăn điện trung bình khoảng 190 W, tối đa 230 W. Vì vậy để kéo RTX 2080 Ti FE thì bạn cần phải có một cục PSU công suất cao, đủ tốt để giữ hiệu năng ổn định. Trong trường hợp của mình thì cục PSU 850 W dòng ToughPower của Thermaltake đủ sức kéo cả dàn này.



Đang tải Tinhte.vn_RTX2080Ti-4.jpg…

RTX 2080 Ti FE vẫn là chiếc card đồ hoạ rất mạnh, sự cải tiến về hiệu năng so với thế hệ trước vào khoảng 20 – 25%, dù không nhảy vọt nhiều như thời GTX 1080 Ti vs GTX 980 Ti nhưng vẫn là một sự chênh lệch đáng kể và vài chục phần trăm này khiến chuyện chơi game 4K đồ hoạ cao đã trở nên khả thi hơn. Những tựa game DirectX 11 đời trước đã có thể chơi trên 60 fps – một mức fps tiêu chuẩn để có được trải nghiệm game mượt mà trên đa số màn hình hiện tại và với những tựa game DirectX 12 thì sức mạnh của RTX 2080 Ti FE như được giải phóng, khung hình cao hơn, tài nguyên GPU được khai thác tốt hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với RTX 2080 FE nhưng chuyện sẽ khác với Ray Traycing.



Đang tải Tinhte.vn_GeForceRTX20-15.jpg…

Nói về công nghệ Ray Tracing này thì mình vẫn nhìn nhận đây sẽ là công nghệ tái tạo ánh sáng, hiệu ứng trong game để mang lại cái nhìn thực nhất trong tương lai. Hiện tại những tựa game hỗ trợ Ray Tracing chưa nhiều, bản chất Windows 10 cũng chưa hỗ trợ tốt và Nvidia thì vẫn đang miệt mài cập nhật driver thành ra trải nghiệm Ray Tracing vẫn chưa tốt nhất, mọi thứ nó vẫn như trong giai đoạn thử nghiệm vậy.

Màn bắn máy bay trong Battlefield V, 4K Ultra RTX On tuyệt đẹp nhưng khung hình thấp uổng quá :'(. (video đã nén lại FHD)

Qua Battlefield V, Ray Tracing vẫn gây ra tình trạng sụt giảm khung hình lớn nhất là khi chơi ở độ phân giải 4K nhưng nếu chuyển sang 2K thì vấn đề khung hình ngay lập tức được giải quyết. Vì vậy theo mình thì 4K đồ hoạ tối đa, Ray Tracing bật, khung hình trên 60 fps thì hiện tại vẫn chưa thể, ít nhất là với tựa game BFV. Còn với những tựa game như Shadow of the Tomb’s Raider với Ray Tracing vẫn có thể chơi ở khung hình xấp xỉ 60 fps. Nhiều thông tin cho rằng SotTR chỉ hỗ trợ Ray Tracing một phần. Mình hy vọng trong thời gian tới các tựa game sẽ được tối ưu, Windows hỗ trợ DXR tốt hơn và driver Nvidia làm ngon hơn để có thể trải nghiệm Ray Tracing ở tỉ lệ khung hình cao.

Nguồn: Tinhte.vn